Nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, hình thức này ngày càng phát triển. Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có nhiều văn bản quy định về nhượng quyền thương mại, tuy nhiên, những văn bản đó đã phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn hay chưa vẫn còn cần được thảo luận.
Đặc biệt, hợp đồng nhượng quyền thương mại vẫn còn là một vấn đề pháp lí cần nghiên cứu kĩ. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Một số ý kiến hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại”.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Trường Đại học Luật Hà Nội – Giáo trình một số hợp đồng đặc thù trong hoạt động thương mại và kĩ năng đàm phán, soạn thảo – NXB. Công an nhân dân, 2012.
- Nguyễn Bách Thắng – Hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn – Luận văn thạc sĩ luật học – Người hướng dẫn: PGS. TS. Trần Ngọc Dũng, tr.26
- Trần Thu Hà, Những vấn đề pháp lí về nhượng quyền thương mại, Khóa luận tốt nghiệp, 2008.
- Trần Thị Xuân Hằng, Tìm hiểu pháp luật về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, 2007.
- Luật thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn
Nội dung
Khái quát về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Khái niệm nhượng quyền thương mại
Về nhượng quyền thương mại, Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 quy định:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”
Theo quy định trên vềnhượng quyền thương mại, ta cần quan tâm tới những vấn đề sau:
Thứ nhất, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại
Thứ hai, pháp luật về vấn đề này đã nhấn mạnh tới quyền của bên nhượng quyền(cho phép và yêu cầu) với bên nhận quyền và những điều kiện mà bên nhận quyền là bên có nghĩa vụ phải tuân thủ khi tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Cụ thể, bên nhượng quyền sẽ trao cho bên nhận quyền kinh doanh các quyền sử dụng mô hình, kĩ thuật kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dưới thương hiệu của mình và nhận lại một khoản phí hoặc phần trăm doanh thu trong một khoảng thời gian nhất định, bên nhận quyền thương mại có quyền sử dụng quyền thương mại của bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh nhưng phải tuân thủ một số điều kiện mà bên nhượng quyền đưa ra.
Đặc điểm nhượng quyền thương mại
Dựa trên định nghĩa về nhượng quyền thương mại của Luật Thương Mại Việt Nam 2005 nhượng quyền thương mại có những đặc điểm sau:
Đối tượng của nhượng quyền thương mại là quyền thương mại
Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, nội dung cốt lõi chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sử dụng quyền thương mại của mình trong kinh doanh.
Giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết
Tính mật thiết của mối quan hệ giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền thể hiện từ ngay sau khi các bên hình thành nên quan hệ nhượng quyền thương mại. Kể từ thời điểm đó, Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Không chỉ vậy, mà cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, Bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống.
Luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của bên nhận quyền
Quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền được pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Theo đó, bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền.
Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với Bên nhận quyền như đã nói ở trên sẽ trở nên vô nghĩa và thiếu đi tính thực tế nếu như bên nhượng quyền không có quyền năng kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của bên nhận quyền. Quyền năng này của bên nhượng quyền đã thực sự tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá và dịch vụ.
Những hạn chế và đề xuất hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, đưa ra khái niệm “Nhượng quyền thương mại” và “Quyền thương mại” hoàn chỉnh hơn.
Bởi lẽ: Nhượng quyền thương mại và quyền thương mại trong pháp luật hiện hành chưa phản ánh được đầy đủ bản chất của hoạt động thương mại này. Điều này đã gây khó khăn cho các chủ thể trong việc tiếp cận bản chất của khái niệm, có sự nhầm lẫn giữa hợp đồng li- xăng, hợp đồng chuyển giao công nghệ với hợp đồng nhượng quyền thương mại, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trên thực tế không được thống nhất.
Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh hơn về nhượng quyền thương mại và quyền thương mại sao cho thể hiện đúng và đầy đủ bản chất của hoạt động thương mại này.
Thứ hai, đưa ra khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Việc đưa ra khái niệm chính thức về hợp đồng nhượng quyền thương mại để có thể làm cơ sở các quy định của pháp luật về hợp đòng và những đặc trưng cơ bản của hoạt động nhượng quyền thương mại.
Pháp luật có thể đưa ra sự phân loại trực tiếp hay gián tiếp hợp đồng nhượng quyền thương mại đồng thời cần chỉ ra quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên nhượng quyền sơ cấp, nhận quyền sơ cấp, nhượng quyền thứ cấp, nhận quyền thứ cấp.
Thứ ba, xác định rõ phạm vi, cách thức thực hiện quyền kiểm soát, nghĩa vụ trợ giúp kỹ thuật của bên nhượng quyền.
Pháp luật Việt Nam trong thời gian tới cần chỉ rõ bên nhượng quyền được quyền kiểm soát bên nhận quyền, cũng như có nghĩa vụ trợ giúp bên nhận quyền trong những công việc gì, lĩnh vực nào một cách hợp lý.
Có thể quy định theo hướng cho phép bên nhượng quyền được quyền kiểm soát đối với những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp tới tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền,; và bên nhượng quyền chỉ được kiểm soát theo cách thức mà các bên đã thống nhất trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, cũng cần giới hạn bên nhượng quyền không được làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của bên nhận quyền khi thực hiện quyền kiểm soát.
Nghĩa vụ trợ giúp kỹ thuật của bên nhượng quyền được quy định tại Khoản 2 Điều 284 Luật Thương Mại 2005 cần khẳng định đây là nghĩa vụ bắt buộc của bên nhượng quyền không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đồng thời, cấm bên nhượng quyền lợi dụng việc hỗ trợ kỹ thuật để can thiệp quá mức vào hoạt động tự do kinh doanh của bên nhận quyền.
Thứ tư, quy định căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền hợp lý hơn và bổ sung cách thức giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Căn cứ chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại quy định tại Điều 16 NĐ 35/2006/NĐ-CP không thể hiện được sự bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ, đồng thời dễ bị bên nhận quyền lạm dụng để đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ khi nào. Do vậy cần phải quy định sự vi phạm nghĩa vụ của bên nhượng quyền quy định tại Điều 287 Luật Thương mại 2005 đến mức độ nào để được coi là căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền sao cho đảm bảo được tính hợp lý và cân bằng.
Việc các bên thỏa thuận về cách thức giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng, điều này cần được thỏa thuận cụ thể và rõ ràng trong hợp đồng, bởi nó là căn cứ pháp lý cần thiết giúp cho việc giải quyết tranh chấp dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, làm giảm khả năng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi cho các chủ thể khi phát sinh tranh chấp.
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy, hợp đồng nhượng quyền thương mại đã được pháp luật Việt Nam quy định khá cụ thể và chi tiết; thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với hình thức kinh doanh phổ biến này. Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế cần sửa đổi để hình thức này phù hợp hơn với thực tiễn và phát triển ngang tầm với pháp luật thế giới.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Một số ý kiến hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.