Theo quy định của Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay còn gọi là CISG, khi một bên vi phạm hợp đồng và vi phạm đó là “vi phạm cơ bản” thì bên kia có quyền hủy hợp đồng. Khái niệm “vi phạm cơ bản” vì vậy là khái niệm trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh do vi phạm hợp đồng.
Để tìm hiểu rõ hơn về khái niệm này cũng như rút ra từ đó những lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam, em xin lựa chọn đế tài: “Phân tích khái niệm “vi phạm cơ bản” theo Điều 25 của Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và những điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu của mình.
Danh mục tài Liệu tham khảo:
- CA Grenoble, vụ kiện SCP d’Avoués PERRET & POUGNAND vs. Société PAN AFRICAN EXPORT (22/2/1995), bản dịch tiếng Anh trên internet
- Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- German Supreme Court, VIII ZR 51/95 (3/4/1996), (các bên tranh chấp của vụ kiện không được công bố), bản dịch tiếng Anh trên internet
- OLG Frankfurt, vụ kiện 5U164/90 (17/09/1991) (các bên tranh chấp của vụ kiện không được công bố), bản dịch tiếng Anh trên internet.
Nội dung
Phân tích khái niệm “vi phạm cơ bản” theo điều 25 của CISG
Khái niệm “vi phạm cơ bản” theo Công ước Viên 1980
Theo Điều 25 của CISG thì “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”.
Như vậy một vi phạm hợp đồng được coi là vi phạm cơ bản theo khuôn khổ Công ước Viên 1980 nếu nó đáp ứng đủ các yếu tố: có vi phạm hợp đồng, có thiệt hại đáng kể xảy ra và bên vi phạm nhận biết được hậu quả xảy ra nếu như có vi phạm đó (hay còn gọi là khả năng tiên liệu).
Yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo CISG
a) Yếu tố vi phạm hợp đồng
Yếu tố quan trọng nhất để xác định mức độ vi phạm của khái niệm “vi phạm cơ bản” chính là sự tồn tại của sự vi phạm nghĩa vụ, có thể phát sinh từ hợp đồng (như thoả thuận của các bên) hoặc từ các quy định của CISG (Ví dụ: Điều 46.2 CISG). Khi không có sự vi phạm nghĩa vụ, Điều 25 sẽ không thể được viện dẫn và áp dụng.
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp Quốc không đưa ra định nghĩa về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, tuy nhiên, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có thể hiểu là việc một bên giao kết hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thực hiện không hết nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng.
Ví dụ, các bên thỏa thuận cụ thể về nghĩa vụ giao hàng trong hợp đồng nhưng người bán không giao hàng hoặc giao hàng thiếu, giao sai hàng hoặc giao hàng không đúng chất lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy, nếu người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng như hàng hóa được giao thiếu về số lượng, không phù hợp về chất lượng hoặc giao sai chủng loại hàng mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, thì được coi là người bán đã có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
b) Yếu tố thiệt hại đáng kể
Vi phạm hợp đồng luôn luôn phát sinh những thiệt hại nhưng thiệt hại lại không luôn luôn tồn tại khi có vi phạm hợp đồng. Trong thực tế, không hiếm trường hợp có vi phạm hợp đồng nhưng không có thiệt hại. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 25 CISG thì thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra là yếu tố bắt buộc, tiên quyết cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và thiệt hại đó phải là đáng kể.
Thế nào là thiệt hại đáng kể? Khái niệm ‘thiệt hại đáng kể’ bao gồm tất cả (thiệt hại hiện hữu và trong tương lai) các hậu quả từ những vi phạm hợp đồng, bao gồm không chỉ mất mát về tiền bạc (thực tế và tương lai) mà còn cả các hậu quả khác. CISG cho rằng thiệt hại đáng kể là những thiệt hại làm cho bên bị vi phạm mất đi cái mà họ chờ đợi (mong muốn có được) từ hợp đồng.
Tuy nhiên Công ước Viên không giải thích rõ cái mà người này chờ đợi là gì. Vì vậy, việc xác định mức độ thiệt hại là đáng kể hay không đáng kể sẽ do tòa án (hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp) quyết định căn cứ vào từng trường hợp, từng vụ tranh chấp cụ thể. Ví dụ, phải căn cứ vào giá trị kinh tế của hợp đồng, sự tổn hại về mặt tiền bạc do hành vi vi phạm hợp đồng hoặc mức độ mà hành vi vi phạm hợp đồng gây cản trở đến các hoạt động khác của bên bị vi phạm.
c) Khả năng nhìn thấy trước hậu quả của hành vi vi phạm (khả năng tiên liệu)
Một vi phạm sẽ không thể bị coi là cơ bản khi bên vi phạm đã không tiên liệu trước được hậu quả đáng kể và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Từ đó có thể thấy Điều 25 cũng đòi hỏi cần phải có sự đánh giá về ý thức, suy nghĩ chủ quan của bên vi phạm và đồng thời so sánh với ý thức, kiến thức của một chủ thể trung lập trong việc dự liệu về hậu quả đó trong những điều kiện tương tự.
Yêu cầu đánh giá khách quan này là bắt buộc theo yêu cầu của Điều 8.2 CISG. Khả năng tiên liệu trước được những thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra sẽ phụ thuộc vào kiến thức của bên vi phạm về những sự kiện xoay quanh giao dịch như kinh nghiệm, mức độ tinh tế và khả năng tổ chức của bên vi phạm.
- Vi phạm cơ bản theo điều 25 Công ước quốc tế
Đây là chế định trọng tâm đối với cơ chế khắc phục thiệt hại của Công ước Viên vì những ‘vi phạm cơ bản’ là cơ sở quan trọng dẫn tới những hậu quả pháp lý mang tính quyết định đối với trách nhiệm của các bên và giá trị của hợp đồng. Vấn đề vi phạm cơ bản được quy định tại Điều 25 của CISG.
Tuy nhiên, Điều 25 không giải quyết hậu quả của vi phạm cơ bản, nó chỉ mang ý nghĩa như một công cụ giúp phân biệt hành vi vi phạm hợp đồng mang tính cơ bản/nền tảng và những vi phạm giản đơn khác. Có thể nói, việc xác lập hậu quả pháp lý đối với những vi phạm cơ bản vẫn sẽ phải bắt đầu từ các điều khoản cụ thể khác của Công ước Viên 1980 hoặc của chính hợp đồng.
Như một số chuyên gia quốc tế về luật hợp đồng thương mại đã nhận định Điều 25 CISG không thể được áp dụng độc lập mà phải được viện dẫn và diễn giải bên cạnh các điều khoản khác mà việc xác định vi phạm cơ bản mang tính tiên quyết.
Vi phạm cơ bản theo điều 25 Công ước quốc tế
Những vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Về yếu tố vi phạm hợp đồng trong khái niệm “vi phạm cơ bản” của CISG
Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không phân biệt giữa các nghĩa vụ cơ bản và nghĩa vụ phụ. Kể cả sự vi phạm một nghĩa vụ mà không phải là nghĩa vụ cơ bản theo hợp đồng, chỉ là một là một nghĩa vụ phụ vẫn có thể được coi là nghĩa vụ cơ bản nếu nghĩa vụ đó liên quan mật thiết tới sự trao đổi hàng hoá hoặc các bên trong hợp đồng dẫn chính tới các quy tắc của Công ước Viên 1980.
Trong thực tiễn, một toà án Pháp đã áp dụng Điều 25 của CISG để xác định vi phạm hợp đồng do các bên thoả thuận khi không được phép tái nhập khẩu hàng hoá. Hay toà án của Đức cũng đã nhận định “bên mua có thể, theo quy định của điều 49.1 của Công ước ViÊN 1980, yêu cầu hủy hợp đồng nếu việc không thực hiện hợp đồng là vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng”, nó cũng có thể là trường hợp mà nghĩa vụ phụ phát sinh từ một hợp đồng độc quyền bị vi phạm.
Tóm lại Điều 25 CISG không phân biệt tính cơ bản trên cơ sở loại hành vi/nghĩa vụ, chẳng hạn như không giao hàng, không thanh toán, không thể thực hiện, chậm chễ v.v…, mà chỉ thiết lập một khái niệm tổng quan về vi phạm hợp đồng.
Do đó trong trường hợp này các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý thật kỹ khi xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nếu không cẩn thận với hành vi của mình, một hành vi vi phạm hợp đồng nào đó của bên các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể trở thành một vi phạm cơ bản theo quy định của CISG và khi đó doanh nghiệp Việt Nam có thể bị phạt bồi thường thiệt hại hoặc hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Việt Nam với bên kia cũng có thể bị hủy bỏ.
Về yếu tố thiệt hại được coi là đáng kể trong khái niệm “vi phạm cơ bản” của CISG
Vi phạm hợp đồng sẽ là cơ bản nếu có sự “đáng kể” về thiệt hại của bên bị thiệt hại trong tương quan với mong đợi của bên bị thiệt hại xuất phát từ nội dung của thỏa thuận trong hợp đồng. Câu chữ của Điều 25 CISG chỉ rõ rằng tính chất “cơ bản” của vi phạm – được đánh giả bởi Toà án – sẽ dựa trên sự kỳ vọng, mong đợi hợp pháp của bên bị thiệt hại.
Thiệt hại đó phải nghiêm trọng tới mức triệt tiêu lợi ích của bên bị thiệt hại trong việc thực hiện hợp đồng hoặc bên đó không thể mong đợi một mức bồi thường thấp hơn mức thiệt hại mà họ phải gánh chịu (Ví dụ: giảm giá, chi phi sửa chữa). Mức nghiêm trọng của thiệt hại phải được xác định trong từng vụ việc cụ thể.
Từ quy định của Điều 25 có thể thấy mức độ đáng kể của hậu quả của hành vi vi phạm phải được đánh giá từ góc độ của bên bị thiệt hại “có thể chờ đợi gì từ hợp đồng”. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta sẽ phải cân nhắc mong muốn chủ quan của bên không vi phạm hoặc những lợi ích mà họ mong muốn đạt được.
Nội dung của Điều 25 cho thấy, ta sẽ phải xem xét những mong đợi khách quan trên cơ sở các điều khoản cụ thể của hợp đồng liên quan. Đây chính là vấn đề diễn giải hợp đồng. Trong bối cảnh đó, cần phải xem không chỉ ngôn ngữ hợp đồng, mà còn phải xem xét thực tiễn được thiệt lập giữa các bên, và những điều kiện dẫn tới việc kết thúc hợp đồng (Ví dụ: quá trình đàm phán hợp đồng).
Do đó một điểm cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cần phải diễn giải rõ những thiệt hại gây ra cho bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của mình có phải là cái mà bên bị thiệt hại đang chờ đợi trên cơ sở hợp đồng hay không.
Nếu không diễn giải một cách hợp lý thì hành vi vi phạm của ta có thể bị coi là vi phạm cơ bản theo CISG và sẽ phải đứng trước nguy cơ bị hủy hợp đồng hoặc bị bồi thường thiệt hại một cách thích đáng. Việc diễn giải sẽ không khó khăn nếu các doanh nghiệp và bên kia của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nêu rõ mục tiêu và thể hiện sự chấp thuận rõ ràng đối với các nghĩa vụ hoặc một số trách nhiệm đối với loại vi phạm quá đó có cho thấy những vi phạm nào sẽ bị coi là vi phạm cơ bản.
Thông qua việc hiểu về sự vi phạm cơ bản hợp đồng thương mại quốc tế, các doanh nghiệp, pháp nhân Việt Nam có thể tránh khỏi nhưng tổn thất không đáng có.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích khái niệm “vi phạm cơ bản” theo Điều 25 của Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và những điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam”. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.