Quyền khiếu nại và điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp

Ngày 12/2/2018 Giám đốc Sở Y tế tỉnh H nhận được khiếu nại của doanh nghiệp A về việc tháng 3/2018 doanh nghiệp A bị thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chưa có Kết luận thanh tra thì thông tin doanh nghiệp bị thanh tra và sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được một thành viên Đoàn thanh tra thông tin cho báo chí và các thông tin này đã xuất hiện trên các báo. Ngày 10/2/2018, doanh nghiệp nhận được Kết luận thanh tra, trong đó ghi rõ doanh nghiệp A chưa tuân thủ các quy định về ghi nhãn mác sản phẩm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mà không kết luận doanh nghiệp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù vậy, các thông tin được đăng tải trước đó trên báo làm cho nhiều khách hàng từ chối không ký kết mua sản phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề:

1, Phân tích các điều kiện thụ lý khiếu nại theo quy định của pháp luật. Theo anh, chị khiếu nại của doanh nghiệp A có được thụ lý giải quyết hay không?

2, Đánh giá về hành vi của thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra trong vụ việc nêu trên.

3, Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp A, cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này cần làm gì?


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Luật Thanh tra năm 2010.
  • Luật khiếu nại năm 2011.
  • Luật Báo chí năm 2016.
  • Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
  • Nghị định số 97/2011/NĐ-CP Quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.

Phân tích các điều kiện thụ lý khiếu nại theo quy định của pháp luật. Theo anh, chị khiếu nại của doanh nghiệp A có được thụ lý giải quyết hay không?

Phân tích các điều kiện để thụ lý khiếu nại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Quyền khiếu nại, điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp
Quyền khiếu nại, điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp

Theo đó, khi có căn cứ cho rằng có quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước… là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì công dân, cơ quan, tổ chức có thể đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định và hành vi đó. Tuy nhiên, để đơn khiếu nại được thụ thì cần đáp ứng những điều kiện sau:

Thứ nhất, về chủ thể khiếu nại:

Điều kiện để trở thành chủ thể của khiếu nại phải có liên quan trực tiếp tới người khiếu nại mà người khiếu nại cho rằng đối tượng khiếu nại là trái pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, nếu như đối tượng khiếu nại không liên quan trực tiếp đến người khiếu nại thì họ không có quyền khiếu nại. Nói cách khác là họ không đủ điều kiện trở thành chủ thể khiếu nại.

Thứ hai, về đối tượng của khiếu nại:

Đối tượng của khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật. Đối với quyết định hành chính thì phải là quyết định hành chính cá biệt (Xử lý một vấn đề cụ thể, được áp dụng một lần, áp dụng cho một đối tượng hoặc một số đối tượng). Đối với hành vi hành chính phải là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Đối với quyết định kỷ luật phải là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

Ngoài ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không được thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật khiếu nại, đó là những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước…

Thứ ba, về hình thức của khiếu nại:

Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải có đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại năm 2011 và đơn khiếu nại phải được người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản; Trường hợp nhiều người khiếu nại cùng một nội dung thì hướng dẫn họ cử người đại diện.

Thứ tư, về thời hiệu khiếu nại:

Nhìn chung, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Đối với khiếu nại việc kỷ luật cán bộ, công chức, thì thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Thời hạn khiếu nại lần hai là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu. Trường hợp do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thứ năm, khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, chưa được Tòa án thụ lý hoặc giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

Khiếu nại của doanh nghiệp A có được thụ lý giải quyết hay không?

Trong tình huống trên, doanh nghiệp A đã khiếu nại về việc bị thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra về về sinh an toàn thực phẩm. Khi chưa có Kết luận thanh tra thì thông tin doanh nghiệp bị thanh tra và sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được một thành viên Đoàn thanh tra thông tin cho báo trí và các thông tin này đã xuất hiện trên các báo.. Để xét xem khiếu nại của doanh nghiếp A có được thụ lý giải quyết không, cần xét những điều kiện sau:

Thứ nhất, đối tượng trong khiếu nại của doanh nghiệp A là gì?

Doanh nghiệp A khiếu nại về việc bị thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định cúa pháp luật. Hành vi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A.

Thứ hai, về thời hiệu khiếu nại:

Theo quy định của pháp luật, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong tình huống trên, doanh nghiệp A bị thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra vào tháng 3/2018 và đến 10/04/2018 thì có Kết luận thanh tra; tuy nhiên đến 12/8/2018 thì Giám đốc sở y tế mới nhận được khiếu nại của doanh nghiệp A, như vậy đến thời điểm đó thì thời hiệu khiếu nại đã hết.

Bên cạnh đó, một trong các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết là thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng (khoản 6 Điều 11 Luật thanh tra).

Như vậy, vì thời hiệu khiếu nại đã hết, nên nếu không có lý do chính đáng thì khiếu nại của doanh nghiệp A sẽ không được thụ lý giải quyết.

Quyền khiếu nại, điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp

Đánh giá về hành vi của thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra trong vụ việc nêu trên

Hành vi của thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra trong vụ việc nêu trên đã vi phạm pháp luật về thanh tra, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A.

Căn cứ khoản 4 Điều 13 quy định:

“Điều 13. Các hành vi bị nghiêm cấm:Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức”.

Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP quy định;

“Điều 3. Những việc thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra không được làm

Thanh tra viên không được làm những việc sau đây:

b) Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13 Luật Thanh tra”

Như vậy, hành vi thông tin cho báo chí về việc doanh nghiệp A bị thanh tra và sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chưa có kết luận thanh tra là hành vi vi phạm điều cấm của luật, một trong các hành vi mà thanh tra viên cũng như cộng tác viên thanh tra không được làm. Mặt khác, Kết luận thanh tra vào ngàu 10/4/2018 cũng chỉ ghi doanh nghiệp A không tuân thủ quy định về ghi nhãn mác sản phẩm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mà không kết luận doanh nghiệp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, những thông tin mà thanh tra viên trên cung cấp cho báo chí không đúng sự thật và việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A. Cụ thể, các thông tin được đăng tải trước đó trên báo làm cho nhiều khách hàng từ chối không ký kết mua sản phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp A, cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này cần làm gì?

Thứ nhất, với thông tin sản phẩm của doanh nghiệp A không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đăng tải trên các báo.

Trong tình huống trên, doanh nghiệp A bị thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chưa có Kết luận thanh tra thì thông tin doanh nghiệp bị thanh tra và sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được một thành viên Đoàn thanh tra thông tin cho báo chí và các thông tin này đã xuất hiện trên các báo. Ngày 10/2/2018, doanh nghiệp nhận được Kết luận thanh tra, trong đó ghi rõ doanh nghiệp A chưa tuân thủ các quy định về ghi nhãn mác sản phẩm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mà không kết luận doanh nghiệp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Căn cứ Điều 42 Luật báo chí năm 2016 quy định:

“Điều 42. Cải chính trên báo chí

Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 52 của Luật này.

Quyền khiếu nại, điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp
Quyền khiếu nại, điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp

Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí.

Lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính”.

Theo đó, nếu các cơ quan báo chí thông tin sai sự thật thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí.

Như vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A trước thông tin sai sự thật là sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trước hết cơ quan có thẩm quyền cần gửi cho các báo đã đăng thông tin trên Kết luận thanh tra để các cơ quan báo chí đăng bài cải chính thông tin, đồng thời xin lỗi doanh nghiệp A theo quy định của luật báo chí.

Thứ hai, bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp A.

Thông tin sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đăng trên các báo làm cho nhiều khách hàng từ chối ký kết mua sản phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Hành vi cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa có Kết luận thanh tra chính thức của thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra là trái pháp luật khi thi hành công vụ và gây thiệt hại cho doanh nghiệp A, do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần bồi thường cho doanh nghiệp A theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Thứ ba, xử lý hành vi vi phạm của thanh tra viên là thành viên đoàn thanh tra.

Như đã phân tích ở trên, hành vi của thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra tỏng tình huống trên là vi phạm điều cấm của pháp luật, vi phạm vào một trong những điều mà thanh tra viên không được làm, do đó, hành vi này cần phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 4 Điều 76 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định:

“Điều 76. Xử lý hành vi vi phạm của người tiến hành thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thành viên khác của Đoàn thanh tra

Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra”.

Như vậy, hành vi tiết lộ thông tin về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra của thanh tra viên trên là vi phạm pháp luật và hành vi đó có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Quyền khiếu nại, điều kiện thụ lý khiếu nại của doanh nghiệp. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top