Nguyên tắc thăng bằng được hiểu như thế nào? Phân tích các quy định trong Luật NSNN 2015 để chứng minh nguyên tắc thăng bằng đã được thể hiện trong luật NSNN

      Ngân sách nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm an sinh xã hội góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Đặc biệt trong xu thế kinh tế thị trường như hiện nay thì vấn đề thu chi NSNN cần có một cơ cấu thu chi hợp lý hơn. Thu như thế nào để tận dụng được nguồn trong nước, không bị ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài bảo đảm nguồn thu ổn định. Và chi như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân, vừa không góp phần tăng lạm phát và đảm bảo chi trong giới hạn của thu. Đây là một vấn đề quan trọng mà nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam vẫn đang phải nghiên cứu và thực thi. Chính vì vậy em xin chọn đề bài số 01 làm đề bài bài tập học kỳ: “Nguyên tắc thăng bằng được hiểu như thế nào? Phân tích các quy định trong Luật NSNN 2015 để chứng minh nguyên tắc thăng bằng đã được thể hiện trong luật NSNN”.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật ngân sách nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội, nxb.  CAND Hà Nội – 2016.
  • Giáo trình Luật thuế Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, nxb. CAND – Hà Nội – 2016.
  • Luật Ngân sách nhà nước năm 2015
  • Luật phí và lệ phí năm 2015

Nguyên tắc ngân sách thăng bằng

Khái niệm về ngân sách thăng bằng

      Nguyên tắc ngân sách thăng bằng cũng xuất hiện khá sớm trong lịch sử của nên tài chính công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo nhận xét của các nhà tài chính học, sự thăng bằng của ngân sách nhà nước là một ý niệm kế toán nhiều hơn là ý nghĩa về phương diện kinh tế hay pháp lí. Thật vậy, triết lí cổ điển về sự thăng bằng của ngân sách nhà nước bắt đầu từ một quan niệm kế toán, theo đó, tất cả các khoản chi trong tài khoản ngân sách đều phải cân bằng với tất cả các khoản thu trong tài khoản ngân sách.

      Theo quan điểm này, sự thăng bằng ngân sách gần như được đảm bảo một cách hoàn hảo và trên thực tế tổng số thu và tổng số sách nhà nước bao giờ cũng được cân bằng ngay từ kế hoạch dự toán. Sự so sánh giữa tổng thu và tổng chi hàng năm để đánh giá về sự thăng bằng của ngân sách đó dường như không được khách quan và chính xác, bởi lẽ trong nhiều trường hợp những khoản thu có tính chất hoa lợi (ví dụ điển hình là khoản thu về thuế) lại không đủ để trang trải những khoản chi có tính chất phí tổn, mặc dù xét về tổng thể thì tổng số chi và tổng số thu vẫn cân bằng.

      Đây là một trong những lí rất chính đáng để các nhà tài chính học đương đại đưa ra quan điểm mới về sự thăng bằng của ngân sách nhà nước, theo đó họ cho rằng sự thăng bằng ngân sách không hoàn toàn đồng nghĩa với sự cân bằng giữa tổng thu và tổng chi mà thực chất là sự cân bằng giữa tổng thu hoa lợi (trong đó chủ yếu là thuế) với tổng chi có tính chất phí tổn.

      Từ quan điểm này có thể hiểu là, nếu tổng các khoản thu có tính chất hoa lợi lớn hơn tổng các khoản chi có tính chất phí tổn thì khi đó ngân sách nhà nước sẽ có thặng dư (bội thu ngân sách) ; ngược lại, nếu tổng các khoản thu có tính chất hoa lợi nhỏ hơn tổng các khoản chi có tính chất phí tổn thì ngân sách sẽ lâm vào tình trạng thâm hụt ( bội chi ngân sách ). Quan điểm này đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới và đồng thời cũng được ghi nhận trong Luật Ngân sách nhà nước hiện hành ở Việt Nam.

Đặc điểm của ngân sách nhà nước thăng bằng

      Từ quan niệm về thăng bằng ngân sách nhà nước, có thể suy ra một số những đặc điểm sau:

      Thứ nhất, ngân sách thăng bằng phản ánh mối quan hệ tương tác giữa thu và chi ngân sách nhà nước trong năm ngân sách nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.  Nó vừa là công cụ thực hiện các mục tiêu kinh tế chiến lược kinh tế – xã hội của Nhà nước, đồng thời các chỉ tiêu kinh tế – xã hội này cũng quyết định sự hình thành về thu, chi ngân sách nhà nước.

      Thứ hai, ngân sách nhà nước thăng bằng là cân đối giữa tổng thu và tổng chi, giữa các khoản thu và các khoản chi, cân đối về phân bổ và chuyển giao nguồn lực giữa các cấp trong hệ thống ngân sách nhà nước, đồng thời kiểm soát được tình trạng ngân sách nhà nước đặc biệt là tình trạng bội chi ngân sách nhà nước.  Bên cạnh đó, cần phân bổ nguồn thu cho hợp lý để đảm bảo sự ổn định về kinh tế – xã hội giữa các địa phương.  Mặt khác, nếu ngân sách không cân bằng mà rơi vào tình trạng bội chi thì cần đưa ra những giải quyết kịp thời để ổn định lại ngân sách nhà nước.

Nguyên tắc thăng bằng trong ngân sách nhà nước

      Thứ ba, cân đối ngân sách nhà nước mang tính định lượng và tính tiền liệu.  Trong quá trình cân đối ngân sách nhà nước, người quản lý phải xác định các con số thu, chi ngân sách nhà nước so với tình hình thu nhập trong nước, chi tiết hóa từng khoản thu, chi nhằm đưa ra cơ chế sử dụng và quản lý nguồn thu phù hợp với hoạt động chi, từ đó để làm cơ sở phân bổ và chuyển giao nguồn lực giữa các cấp ngân sách.

Vai trò của ngân sách thăng bằng

      Ngân sách nhà nước thăng bằng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.  Nhà nước thực hiện cần đối ngân sách nhà nước thông qua chính sách thuế, chính sách chi tiêu hàng năm và quyết định mức bội chi cụ thể nên có nhiều tác động tới hoạt động kinh tế cũng như cán cân thương mại quốc tế. Từ đó góp phần ổn định việc thực các mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô như: Tăng trưởng mức thu nhập bình quân trong nền kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp,…

      Ngân sách thăng bằng góp phần phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính có hiệu quả, để đảm bảo được vai trò này ngay từ khi lập dự toán Nhà nước đã lựa chọn trình tự ưu tiên hợp lý trong phân bổ ngân sách nhà nước và sự gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội với công tác lập kế hoạch ngân sách.

      Ngân sách thăng bằng góp phần đảm bảo công bằng xã hội, giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các địa phương.

      Ngân sách nhà nước thăng bằng còn tạo ra nguồn dự trữ ngân sách nhà nước cho những nhiệm vụ chi phát sinh đột xuất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, chúng ta sẽ không phải hoãn các kế hoạch để chờ nguồn thu cụ thể, mà sử dụng ngay nguồn dự trữ sẵn có, góp phần làm hoàn thành công việc nhanh chóng và ổn định kinh tế – xã hội một cách lâu dài


Sự thể hiện của nguyên tắc thăng bằng trong luật ngân sách nhà nước năm 2015

Quy định chung về nguyên tắc thăng bằng trong Luật Ngân sách nhà nước

      Nguyên tắc này được quy định tại Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015:

      Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

      Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách nhà nước.

      Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

      Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau:

      Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

      Vay ngoài nước từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.

      Bội chi ngân sách địa phương:

      Chỉ ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

      Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

      Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.

      Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương:

      Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

      Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

      Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

      Phân tích:

      Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật ngân sách nhà nước, nguồn thu ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;  Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương;

  • Thuế là khoản thu nộp mang tính chất bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ các điều kiện nhất định. Thu từ thuế là nguồn thu chiếm tỉ lệ chủ yếu trong nguồn thu ngân sách nhà nước, khoắng chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Điều này được lí giải bởi thuế được đánh vào hầu hết các hoạt động thường ngày.
  • Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí.
  • Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí và lệ phí.

      Về nguyên tắc, khoản thu từ phí va lệ phí được đặt ra là để nhà nước thu lại một phần chi phí đã bỏ ra cung cấp những hàng hóa và dịch vụ công cho xã hội.

      Cũng theo quy định tại Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước: Chi ngân sách nhà nước bao gồm: Chi đầu tư phát triển; Chi dự trữ quốc gia; Chi thường xuyên; Chi trả nợ lãi; Chi viện trợ; và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

  • Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
  • Chi đầu tư phát triển là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, gồm chi đầu tư xây dựng cơ bản và một số nhiệm vụ chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

      Theo nguyên tắc trên, tổng số thu từ thuế, phí và lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và ngoài ra còn phải không ngừng tích lũy vào quỹ chi đầu tư và phát triển. Trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn chi đầu tư và phát triển, tiến tới thăng bằng thu chi ngân sách nhà nước.

      Nội dung này của nguyên tắc thăng bằng trong ngân sách nhà nước đã phân định ranh giới giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, thể hiện sự thân trong chính sách tài khóa của nước ta. Theo đó các khoản thu thương xuyên sẽ được sử dụng để trang trải chi thường xuyên và một phần thu thường xuyên cùng với thu bù đắp được sử dụng để chi đầu tư phát triển, trong đó chi đầu tư phát triển được chú trọng hơn vì nó có thể làm tang khả năng thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước nhưn phải được đảm bảo cân đối giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, bởi lẽ chúng có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

      Chi đầu tư phát triển là hoạt động cần thiết với sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia, nó tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết cho nền kinh tế, cũng từ đó sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội của đất nước cũng như giúp nhà nước thực hiện được tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

      Theo Khoản 3 Điều 7 Luật Ngân sách năm 2015:

      Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên

      Bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh. Bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách trung ương. Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương. (Khoản 1 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước).

      Trong tình hình kinh tế thị trường như hiện nay thì tình trạng bội chi ngân sách nhà nước là không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế của bất kì một quốc gia nào. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa là biểu hiện của một nền kinh tế yếu kém. Nó là một trong các cách thức tạo ra sự cân đối của hoạt động ngân sách nhà nước dài hạn, đảm bảo cho nền kinh tế, xã hội phát triển và ổn định.

      Tuy nhiên việc bù đắp bội chi ngân sách nhà nước cần đáp ứng những nguyên tắc chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển mà không được dung cho chi thường xuyên. Nguyên tắc vay bù đắp bội chi nên dành cho mục đích phát triển và đảm bảo bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn là rất cần thiết để đảm bảo ngân sách nhà nước được cân đối, tận dụng được nguồn vốn vay một cách có hiệu quả. Chi cho tiêu dung là một hoạt động chi không mang tính chất thu hồi và không tạo ra thặng dư, do đó nguồn vay bù đắp bội chi chỉ được để dành cho mục đích phát triển.

      Khoản 5 và Khoản 6 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước nă 2015 có quy đinh về “Bội chi ngân sách địa phương” và “Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương”.  Lần đầu tiên trong Luật Ngân sách nhà nước mới quy định bội chi ngân sách địa phương là một phần trong bội chi ngan sách nhà nước. Nói cách khác, bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương. Đây là điểm mới quan trọng để tang cường kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước được bù đắp bằng các nguồn vay trong nhà nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để được bội chi ngân sách nhà nước địa phương thì ngân sách địa phương cần đáp ứng được những điều kiện cụ thể cho Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng trả nợ của từng địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.  quy định này tạo ra cho chính quyền địa phương có được nhiều ưu thế hơn trong công việc quyết định ngân sách cấp mình. Giúp địa phương có thể chủ động hơn trong việc tạo ra những điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng để phát triển kinh tế và bảo đảm các vấn đề xã hội của địa phương mình.

      Ngoài những nội dung trên đây thì nguyên tắc cân đối trong hoạt động ngân sách nhà nước cũng được thể hiện ở chỗ: Phải dựa trên hệ thống các nguyên tắc lập ngân sách và quản lý chi tiêu công. Cụ thể về tính tổng thể và tính kỷ luật tài chính đó là, để kiểm soát được các nguồn tài chính có hiệu quả, yêu cầu trong cân đối của hoạt động ngân sách Nhà nước phải đáng giá đúng nguồn lực tài chính đó và lựa chọn những công cụ thích hợp nhất để phân bố nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu ngân sách đề ra. Điều này có nghĩa là: khi cân đối trong hoạt động ngân sách nhà nước thì những quyết định về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cần phải được gắn kết với nhau, trong chi tiêu ngân sách nhà nước cần tập trung chi vào những khoản cần thiết nhất, chi tiêu tiết kiệm tránh lãng phí để thực hiện tốt các chiến lược mà chính phủ đề ra.

Quy định về nguyên tắc ngân sách thăng bằng khi lập dự toán ngân sách

      Lập dự toán ngân sách nhà nước là khâu đầu tiên và là giai đoạn khởi đầu trong một quá trình ngân sách ở mỗi một quốc gia. Đây là việc xác định các khoản thu chi có giá trị pháp lý cho các chủ thể trong hệ thống ngân sách. Lập dự toán ngân sách nhà nước bao gồm xây dựng dự toán (phân tích, đánh giá khả năng thu, chi, dự trữ ngân sách, đồng thời đề ra các biện pháp lớn nhằm thực hiện các chỉ tiêu trong dự toán ngân sách nhà nước đã được soạn thảo) và quyết định dự toán.  Bản dự toán ngân sách tuy được diễn tả bằng các con số nhưng đằng sau đó là chương trình hoạt động của quốc gia trong giai đoạn nhất định.  Người ta chỉ có thể dự tính được con số chi, số thu sẽ thực hiện trong năm khi biết rõ Chính phủ muốn làm gì và làm như thế nào, quy mô, mức độ ra sao? Với ý nghĩa quan trọng đối với việc ổn định nên kinh tế, xã hội của cả một quốc gia như vậy, việc lập dự toán ngân sách nhà nước đòi hỏi phải tiến hành theo quy trình, thủ tục chặt chẽ.  Đặc biệt, các khoản thu, chi luôn luôn đòi hỏi phải có sự cân bằng.  Nếu như ngay từ bước đầu là lập dự toán ngân sách nhà nước đã có sự chênh lệch thì chắc chắn khi thực hiện sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng, mà thường thấy nhất đó là sự thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách,. . .  Điều này sẽ gây sức ép rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà

     Luật ngân sách nhà nước năm 2015 đã quy định cụ thể về việc lập dự toán ngân sách nhà nước, từ Điều 41 đến Điều 48.

      Theo đó, nguyên tắc ngân sách thăng bằng được thể hiện rõ trong căn cứ và yêu cầu lập dự toán ngân sách nhà nước. Với căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước, nguyên tắc ngân sách thăng bằng được thể hiện ở một số điểm như:

     Việc lập dự toán ngân sách nhà nước cần dựa vào “Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bình đẳng giới” ( khoản 1 Điều 41 ), Môi vùng trên đất nước ta có điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện về kinh tế – xã hội không giống nhau như về vị trí địa lý, dân số theo vùng lãnh thổ, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, trình độ phát triển. . .  Do đó, việc lập dự toán ngân sách cần phải dựa trên những điều kiện này để tránh tình trạng có những khoản thu chi không phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến thâm hụt ngân sách hoặc bội chi ngân sách.

     Bên cạnh đó, lập dự toán ngân sách cũng cần dựa vào “Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia đối với các khoản thu phân chia và mức bổ sung cân đối ngân sách của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới” (khoản 4 Điều 41).

     Quy định này nhằm đảm bảo sự hài hòa, cân bằng giữa ngân sách cấp trên và ngân sách cấp dưới, tạo sự chủ động cho ngân sách cấp dưới, không phụ thuộc, ỷ lại vào ngân sách cầm trên, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.

     Ngoài ra, cần dựa vào “Kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước” (khoản 6 Điều 41).  Việc lập dự toán ngân sách cần dựa vào các kế hoạc tài chính, kế hoạch đầu tư nhằm tạo sự thống nhất trong định hướng phát triển của đất nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bên vững.

      Với yêu cầu lập dự toán ngân sách, nguyên tắc ngân sách thăng bằng được thể hiện như sau:

  • Dự toán ngân sách nhà nước phải tổng hợp theo từng khoản thu, chi và theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi dự trữ quốc gia, chi trả nợ và viện trợ, chi bộ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách.
  • Dự toán ngân sách của đơn vị dự toán ngân sách các cấp được lập phải thể hiện đầy đủ các khoản thu, chi theo đúng biểu mẫu, thời hạn do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

     Với việc quy định cụ thể về căn cứ, yêu cầu lập dự toán ngân sách nhà nước, có thể thấy, nguyên tắc cân đối ngân sách luôn luôn được đảm bảo trong hoạt động lập dự toán.  Bởi lẽ, nó mang tính định hướng cho cả một nền kinh tế quốc gia.  Do đó, nguyên tắc này không thể bị phá bỏ.

Quy định về nguyên tắc ngân sách thăng bằng trong hoạt động chấp hành ngân sách

       Chấp hành ngân sách là quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước sau khi được các Cơ quan có thẩm quyền thông qua theo những trật tự, nguyên tắc luật định. Nói cách khác, chấp hành ngân sách nhà nước thực chất là việc thực hiện hóa các chỉ tiêu tài chính về thu, chi ngân sách nhà nước đã được ghi trong dự toán ngân sách hàng năm.

       Theo đó, chấp hành ngân sách nhà nước bao gồm triển khai dự toán; chấp hành thu; chấp hành chi và xử lí những thay đôi của dự toán ngân sách so với thực tế thực hiện trong năm ngân sách.  Trong đó, nguyên tắc ngân sách thăng bằng thể hiện rõ nét nhất trong việc chấp hành thu và chi ngân sách nhà nước; xử lí những thay đổi của dự toán ngân sách so với thực tế thực hiện.

  • Trong việc chấp hành thu, chi ngân sách nhà nước (quy định tại Điều 55 và 56 Luật ngân sách nhà nước năm 2015)

       Chấp hành thu, chi ngân sách nhà nước được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyên tiến hành các hoạt động thu, chi trên thực tế. Tất cả các hoạt động này đều phải thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Đặc biệt, điều kiện chi ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật ngân sách nhà nước năm 2015.

       Theo đó, phải đảm bảo các khoản chi đó phải có trong dự toán, phải chi theo đúng chế độ, định mức, điều kiện của từng khoản chi và phải được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi.  Như vậy, ngay từ điều kiện đầu tiên, chi ngân sách nhà nước phải đảm bảo theo đúng dự toán đã đề ra, điều này một mặt giúp đảm bảo các nguồn thu cho ngân sách nhà nước là đúng pháp luật, mặt khác tránh được tình trạng lạm thu do sự tùy tiện của những chủ thể có thâm quyền.  Do đó, nếu thực hiện theo đúng dự toán ngân sách, thì luôn đạt được trạng thái ngân sách cân bằng; sẽ không có tình trạng thâm hụt ngân sách.

       Trong việc xử lý những thay đổi của dự toán ngân sách so với thực tế thực hiện. Dự toán ngân sách chỉ mang tính chất dự liệu, do đó, trạng thái cân bằng giữa thu và chi thật khó có thể được đảm bảo một cách tối đa.  Bởi lẽ, nên tài chính của quốc gia luôn chịu sự chi phối, tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau.  Cho nên việc xảy ra sự chênh lệch giữa các Con số trong dự toán và trên thực tế là khó có thể tránh khỏi. Từ đó, để đảm bảo ngân sách nhà nước luôn được trong trạng thái thăng bằng, ổn định, cần có những biện pháp xử lí nhất định.

       Điều 58, 59 Luật ngân sách nhà nước năm 2015 quy định về “xử lí thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước “; “xử lí tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước “ví dụ như tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác trong trường hợp quỹ ngân sách Trung ương thiếu hụt tạm thời,..  Các biện pháp xử lí này mặc dù chỉ mang tính chất tạm thời hay lâu dài thì đều góp phần đưa ngân sách nhà nước trở lại trạng thái cân bằng, hạn chế tối đa sự chênh lệch giữa thu và chi trong ngân sách nhà nước.

Sự thể hiện của nguyên tắc ngân sách thăng bằng trong một số điều luật khác

Sự thể hiện của nguyên tắc ngân sách thăng bằng trong hoạt động kế toán, quyết toán ngân sách nhà nước (Điều 63 Luật ngân sách nhà nước năm 2015)

       Ngay từ khâu lập dự toán ngân sách nhà nước phải đảm bảo sự cân đối giữa thu và chi; trong quá trình chấp hành ngân sách cũng thường xuyên phải chú ý tới việc thiết lập lại quan hệ cân đối thu, chi bằng các biện pháp hữu hiệu; quá trình quyết toán ngân sách nhà nước cũng phải chỉ rõ được các yêu tố đã giúp cho thu, chi ngân sách nhà nước cần đôi được trong thời gian qua và những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong điều hành cân đối ngân sách nhà nước.

       Qua quyết toán ngân sách nhà có thể đánh giá tình trạng lạm thu hoặc tình trạng mất cân đối với các khoản chi, đồng thời xác định nguyên nhân trong trường hợp có sự mất cân đối giữa các khoản thu chi trong quá trình thực hiện ngân sách.

       Sự thể hiện của nguyên tắc ngân sách thăng bằng trong hoạt động xử lí thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm (Điều 64 Luật ngân sách nhà nước năm 2015).

       Theo quy định tại Điều 64, sẽ có những khoản chi được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện và hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm sau, đó là: Chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của Luật đầu tư công; Chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị kỷ trước ngày 31 tháng 12 năm thực hiện dự toán,…những quy định này nhằm xử lý những trường hợp những khoản ngân sách chi chưa hết trong năm tài chính, góp phần tạo sự cân bằng giữa thu và chi trong một năm.

       Sự thể hiện của nguyên tắc ngân sách thăng bằng trong việc bổ sung, cân đối ngân sách địa phương. (khoản 8 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước năm 2015).

       Theo đó, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đôi, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.

       Có thể thấy nguyên tắc ngân sách thăng bằng có vai trò vô cùng lớn đối với nền tài chính của quốc gia, do đó, ta phải xây dựng nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị xã hội của nước mình thì việc cần đổi mới đảm bảo hiệu quả.  Mặt khác, việc xây dựng nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước phải bắt đầu từ việc xác định vai trò của Nhà nước và phù hợp với bối cảnh cụ thể.


      Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề:Nguyên tắc thăng bằng được hiểu như thế nào? Phân tích các quy định trong Luật NSNN 2015 để chứng minh nguyên tắc thăng bằng đã được thể hiện trong luật NSNN. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top