Câu 1: Nêu quan điểm cá nhân về việc sinh viên có thể photo giáo trình, sách để phục vụ cho việc học tập mà không xin phép, không phải trả tiền không?
Câu 2: Hội nông dân xã La Bằng – huyện Đại Từ – tỉnh Thái Nguyên là chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình. Nhãn hiệu này có thời hạn bảo hộ đến năm 2020. Hội nông dân xã La Bằng có 20 thành viên, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị A. Gia đình bà A đã sản xuất chè nhiều năm và có danh tiếng trong vùng. Bà A mất năm 2014. Bà A có một người con gái là chị B lấy chồng và sinh sống ở Bắc Cạn. Chị B có trồng chè tại gia đình, đóng gói và dán nhãn Chè La Bằng và hình giống nhãn hiệu tập thể của mẹ chị ở La Bằng – Thái Nguyên để bán ra thị trường.
Theo ý kiến của anh/chị, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình của chị B trên sản phẩm chè của mình có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không? Nếu có thì biện pháp xử lý trong trường hợp này là gì?
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006
Câu 1: Nêu quan điểm cá nhân về việc sinh viên có thể photo giáo trình, sách để phục vụ cho việc học tập mà không xin phép, không phải trả tiền không?
Mọi người cũng xem:
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung, pháp luật quyền tác giả nói riêng là nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với lợi ích của xã hội. Một trong những lĩnh vực thể hiện rất rõ chính sách của Nhà nước trong việc thực hiện nguyên tắc này là lĩnh vực sao chép tác phẩm. Hiện nay Việt Nam đã là thành viên của một loạt các điều ước quốc tế đa phương, song phương quan trọng về quyền tác giả như: Công ước Berne 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép bản ghi âm của họ; Công ước về sự phổ biến các chương trình mang tín hiệu truyền qua vệ tinh; Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Hiệp định bản quyền Việt Nam – Thụy Sỹ… Ngày 11/01/2007 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã cam kết thực hiện ngay các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Nước ta là một nước đang phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, nhưng nhu cầu về thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, nhu cầu tiếp cận với tri thức của nhân loại là rất lớn, do vậy vấn đề được đặt ra là làm sao chúng ta thực hiện một cách hài hòa nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với lợi ích của xã hội để có thể đáp ứng được một cách tốt nhất nhu cầu của xã hội mà vẫn bảo vệ được quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nhằm khuyến khích sự sáng tạo và thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sao chép tác phẩm.
Dưới góc độ luật quốc tế, Điều 9 Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật quy định: “Tác giả có các tác phẩm văn học, nghệ thuật được Công ước này bảo hộ, được hưởng độc quyền cho phép sao in các tác phẩm đó dưới bất kỳ phương thức hay hình thức nào”. Các tác phẩm văn học nghệ thuật được Công ước liệt kê tại Điều 2 bao gồm “tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu”. Như vậy, theo quy định trên thì giáo trình, đề cương bài giảng, sách tham khảo, sách chuyên khảo, các luận án, luận văn, các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành và các tài liệu khác đều là các tác phẩm được bảo hộ theo Công ước Berne.
Việc “sao chép” tác phẩm có thể được thể hiện dưới rất nhiều hình thức. Trên thực tế quyền sao chép bao trùm rất nhiều hoạt động, bao gồm việc sao chép nội dung hay hình ảnh bằng máy quét hay máy photocopy hay bất kỳ phương tiện nào khác, việc ghi âm, ghi hình các bài giảng… Như vậy, photocopy là một hình thức sao chép tác phẩm. Về nguyên tắc tác giả sẽ được pháp luật bảo hộ quyền này trong suốt thời hạn bảo hộ tác phẩm. Nếu sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể áp dụng các biện pháp chế tài dân sự, hình sự hay hành chính.
Như đã đề cập ở trên, một trong những nguyên tắc của luật sở hữu trí tuệ là đảm bảo cân bằng về quyền và lợi ích của chủ sở hữu với lợi ích của xã hội. Do đó, bên cạnh việc quy định độc quyền sao chép cho chủ sở hữu, pháp luật còn quy định những hạn chế quyền tác giả đối với quyền sao chép. Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Công ước Berne quy định: “Luật pháp quốc gia thành viên có quyền cho phép sao in tác phẩm trong một vài trường hợp đặc biệt, miễn là sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây thiệt thòi bất chính cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả”. Ở đây, Công ước đã không chỉ rõ những trường hợp nào có thể thực hiện việc sao chép tác phẩm mà không cần sự xin phép của tác giả, không cần trả thù lao cho tác giả, mà để cho pháp luật của quốc gia thành viên tự quy định cụ thể trong pháp luật nước mình. Tuy nhiên, hạn chế quyền tác giả chỉ được thực hiện nếu thỏa mãn được một trong hai điều kiện. Thứ nhất, sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm. Thứ hai, sự sao in đó không gây thiệt thòi bất chính cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả.
Với các quy định nêu trên của Công ước Berne và pháp luật Việt Nam thì rõ ràng là trong những trường hợp và điều kiện nhất định chúng ta có quyền photocopy tác phẩm mà không cần xin phép tác giả, không cần trả thù lao cho tác giả. Điều kiện đó là gì? Trường hợp đó là những trường hợp nào? Hay nói một cách cụ thể sinh viên có quyền photocopy tài liệu trong những trường hợp nào? Số lượng và khối lượng được photocopy tới đâu?
Thứ nhất: pháp luật Việt Nam chỉ cho phép sao chép tác phẩm nói chung (photocopy nói riêng) không quá một bản trong trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân, không nhằm mục đích thương mại. Nghiên cứu khoa học được pháp luật Việt Nam định nghĩa là “hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy, sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng”. Như vậy, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Luật SHTT không áp dụng cho sinh viên, học viên trong trường hợp photocopy tài liệu nhằm mục đích học tập.
Thứ hai, khoản 2 Điều 25 Luật SHTT quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả…”. Như vậy, tình trạng học viên (sinh viên) tự do photocopy giáo trình và các tài liệu khác với lập luận cho rằng chỉ photocopy một bản nhằm mục đích cá nhân (học tập) thì có vi phạm khoản 2 Điều 25 không? Thực tế tình trạng photocopy này không những đã làm ảnh hưởng, mà thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác bình thường tác phẩm của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Bởi lẽ đơn giản là giá thành photocopy tác phẩm sẽ rẻ hơn giá mua tác phẩm, cho nên chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn hình thức photocopy tác phẩm hơn là mua tác phẩm, và điều này thì chắc chắn ai cũng biết và nhìn thấy được là sẽ gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong việc khai thác quyền tài sản của mình. Chính vì vậy, việc photocopy tài liệu, giáo trình mà không được phép của tác giả không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 25 Luật SHTT là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT. Trong trường hợp việc photocopy tài liệu được thực hiện một cách có tổ chức và hệ thống thì không những bị coi là vi phạm quyền sao chép mà còn xâm phạm cả quyền phân phối tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả. Thư viện chỉ có quyền sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu và thư viện không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên WTO, thì việc thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề quan trọng. Việc thực thi và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không được đảm bảo sẽ bị coi là thực tiễn thương mại thiếu lành mạnh và là rào cản đối với thị trường tự do và mở cửa. Để làm được điều đó, một mặt các quy định về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng cần phải được hoàn thiện hơn nữa trong các văn bản pháp luật và quan trọng hơn là phải nghiêm chỉnh thực thi các quyền đó trên thực tế, cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải hoạt động hiệu quả và công bằng. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, nhưng quan trọng hơn hết đó là việc tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ của mỗi cá nhân trong thực tiễn.
Câu 2: Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình của chị B trên sản phẩm chè của mình có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không? Nếu có thì biện pháp xử lý trong trường hợp này là gì?
Mọi người cũng xem:
Để xác định hành vi xâm phạm của chị B đối với quyền sở hữu trí tuệ của công ty X, chúng ta cần phải xem xét các căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP đó là:
“Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.”
Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ:
Nhãn hiệu (theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu của Hội nông dân xã La Bằng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ. Kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp: Theo khoản 1 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: “Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng”.
- Như vậy, Hội nông dân xã La Bằng là chủ sở hữu nhãn hiệu “Chè La Bằng và hình” vì được Cục Sở hữu trí tuệ cấp GCNĐKNH và có thời hạn bảo hộ đến năm 2020
Thời hạn bảo hộ:
Căn cứ khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm”.
Như vậy, để xác định được chị B có xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hay không và có những hành vi xâm phạm nào, ta cần xem xét xem nhãn hiệu “Chè La Bằng và hình” thuộc quyền sở hữu của Hội nông dân xã La Bằng còn trong thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hay không? Nhãn hiệu “ Chè La Bằng và hình” được bảo hộ đến tận năm 2020, tức là vẫn đang trong thời gian bảo hộ. Vì vậy việc sử dụng nhãn hiệu của chị B được xem xét là có hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu của Hội nông dân La Bằng.
Căn cứ Điều 11 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định về việc xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thì khi so sánh nhãn hiệu “Chè La Bằng và hình tập thể” gắn trên sản phẩm chè của Hội nông dân La Bằng và nhãn hiệu “Chè Ba Bằng và hình chị B” không được cấp GCNĐKNH của chị B, ta nhận thấy:
Kí tự, cách phát âm: trùng kia tự 100%
Hình thức trình bày: bao gói của hai sản phẩm chè có in nhãn hiệu có hình thức tương tự nhau, bao gói của chị B chỉ thay đổi hình tập thể của Hội nông dân và thay bằng hình của mình;
Về hàng hóa sử dụng cho nhãn hiệu và dấu hiệu: đều cùng sử dụng cho một loại hàng hóa đó là sản phẩm chè.
Từ những phân tích trên, ta xác định được dấu hiệu “Chè La Bằng và hình chị B” mà chị B sử dụng cho sản phẩm chè với nhãn hiệu của mình mà Hội nông dân La Bằng là chủ sở hữu có những điểm tương đồng gây nên sự nhầm lẫn.
KẾT LUẬN: Chị B đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mà Hội nông dân La Bằng đang là chủ sở hữu. Cụ thể, chị B đã có các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129: “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”.
Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì:
“Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mụcđăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mụcđăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mụchàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”
Trong trường hợp này, “Chè La Bằng và hình tập thể” là nhãn hiệu của sản phẩm chè do Hội nông dân xã La Bằng làm chủ sở hữu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp GCNĐKNH. Sau đó chị B con bà A ( thành viên Hội nông dân xã La Bằng) đã sử dụng nhãn hiệu gần giống chỉ khác là thay hình chị B thay cho hình tập thể sản xuất chè và bán ra thị trường.
Đây chính là dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ bởi nó có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo chữ, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Như vậy, từ sự so sánh trên, theo điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì chị B đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Hội nông dân xã La Bằng về nhãn hiệu.
Biện pháp xử lý
Mọi người cũng xem:
Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là những cách thức được chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ hoặc được Nhà nước sử dụng để bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền đối với giống cây trồng khi các quyền này bị xâm phạm.
Biện pháp tự bảo vệ
Biện pháp tự bảo vệ cho phép các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được tiến hành các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp tự bảo vệ xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của pháp luật Việt Nam, đươc ghi nhận tại Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009): “Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình…” và được quy định chi tiết tại Điều 198 Luật này. Theo đó thì chủ thể quyền sở hữu có thể:
Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại…
Việc tự bảo vệ là một nhu cầu cần thiết trong mọi phương thức bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản nói chung và các quyền và lợi ích hợp pháp khác nói riêng liên quan đến đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ nói riêng. Tự bảo vệ xuất phát tự nhu cầu của các chủ thể nhằm bảo đảm và ngăn chặn các hành vi xâm phạm.
Nó thể hiện sự chủ động trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn mà không phụ thuộc vào bất kì thủ tục nào. Đây là biện pháp giúp các chủ thể nhanh chóng ngăn chặn, làm chấm dứt hành vi xâm phạm trong một chừng mực nhất định và tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, các biện pháp ngăn ngừa này trên thực tế vẫn không phát huy được tối đa hiệu quả bảo vệ, do không có sự can thiệp, cưỡng chế của Nhà nước.
Biện pháp hành chính
Biện pháp hành chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng xử lý những hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng của các nhân, tổ chức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) xảy ra, cơ quan nhà nước sẽ yêu cầu chủ thể vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm và buộc áp dụng một trong các hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền:
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Khi một hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt. Phạt tiền được áp dụng theo các khung tiền phạt quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tùy theo tính chất mức độ và tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
Thêm vào đó, người thực hiện hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phải chịu một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.
Để đảm bảo việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp hành chính đạt hiệu quả, Luật sở hữu trí tuệ cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt bao gồm: tạm giữ người; tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm; khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ và một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự được áp dụng khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra yêu cầu; bao gồm cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Các biện pháp dân sự được Tòa án áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm:
Buộc chấm dứt hành vi vi phạm: khi có yêu cầu của người khởi kiện, Tòa án quyết định buộc người có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp này trong bản án hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Buộc xin lỗi, cải chính công khai: đây là biện pháp được Tòa án quyết định trông bản án, quyết định nhằm mục đính bảo vệ quyền nhân thân của tác giả, và khôi phục danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng cho tác giả các đối tượng sở hữu công nghiệp bị xâm hại. Cách thức xin lỗi, cải chính công khai, chi phi cải chính việc xin lỗi, cải chính được thực hiện theo thỏa thuận của các bên không trái quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của Tòa án căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm nếu hai bên không thỏa thuận được.
Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự: là biện pháp được Tòa án quyết định áp dụng đối với người có hành vi vi phạm nghĩa vụ đối với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. Đây là biện pháp dân sự được áp dụng khi người có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng và phải chịu trách nhiệm dân sự đối với chủ thể có quyền. Khi áp dụng biện pháp này cần căn cứ vào các quy định tương ứng tại các mục 2 và 3 Chương XV, Phần thứ ba của Bộ luật dân sự 2015.
Buộc bồi thường thiệt hại: theo đó, người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà gây thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần cho chủ thể có quyền thì phải bồi thường. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xác định theo các căn cứ quy định của pháp luật.
Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể có quyền đó.
Biện pháp hình sự
Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.”
Pháp luật Việt Nam không có các quy định riêng về thủ tục tố tụng hình sự thực hiện đối với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà áp dụng các quy định chung của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 để điều tra, truy tố, xét xử các tội này. Khi bị xử lý hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền, cảnh cáo, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định hoặc bị cấm hành nghề nhất định trong một thời gian và hình phạt cao nhất họ có thể phải gánh chịu là phạt tù.
Chẳng hạn, theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…”. Bên cạnh đó, người phạm tội cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Biện pháp mà Hội nông dân xã La Bằng có thể lựa chọn để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình: Biện pháp pháp lý:
Quyền được bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, theo đó: “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Từ quy định trên Công ty X có thể áp có thể áp dụng các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình như:
Thứ nhất, yêu cầu chị B phải chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là yêu cầu Chị B phải sửa lại nhãn hiệu “Chè La Bằng và hình chị B” với bao gói có cách trình bày tương tự với bao gói của Hội nông dân xã La Bằng; buộc Chị B phải xin lỗi, cải chính công khai, phải bồi thường thiệt hại vì trong quá trình chị B sử dụng nhãn hiệu này trên thị trường có thể ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của sản phẩm hoặc lợi dụng uy tín của Hội nông dân xã La Bằng để bán sản phẩm. Biện pháp này có ưu điểm thể hiện sự chủ động của công ty mà không phải trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp, giúp cho việc giải quyết được nhanh chóng, đơn giản, đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc cho chị B. Tuy nhiên hiệu quả của biện pháp này không cao, để biện pháp này áp dụng một cách có hiệu quả thì còn phụ thuộc vào sự thiện chí, hợp tác của chị B.
Thứ hai, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của Chị B. Khoản 2 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định: “Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Ưu điểm lớn nhất của biện pháp này là nhanh chóng và ít tốn kém. Tuy nhiên, thẩm quyền xử lý vi phạm quy định cho nhiều cơ quan dẫn tới tình trạng hoạt động chồng chéo, gây khó khăn cho người dân.
Thứ ba, khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Từ những phân tích tại ở trên, theo em, Hội nông dân xã La Bằng đã có đầy đủ các bằng chứng chứng minh chị B đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty mình, vì vậy Hội nông dân xã La Bằng hoàn toàn có thể khởi kiện chị B về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây được coi là biện pháp đạt hiệu quả cao vì vấn đề sẽ được giải quyết theo đúng pháp luật hiện hành và sau khi có phán quyết của Tòa án thì chị B bắt buộc phải chấm dứt ngay các hành vi vi phạm của mình.
Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì những tranh chấp trong kinh doanh, thương mại liên quan đến “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Cụ thể, thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 37 Luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này”.
Mặt khác, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 thì chỉ các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận tại Khoản 1 Điều 30 mới thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Như vậy, các tranh chấp quy định tại Khoản 2 Điều 30 sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Trên đây là phần trình bày của em với đề bài số 7. Do tầm hiểu biết còn hạn hẹp nên bài làm không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, kính mong các thầy cô giáo sẽ có những đánh giá, góp ý để bài tập trở nên hoàn thiện hơn.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Nêu quan điểm cá nhân về việc sinh viên có thể photo giáo trình, sách để phục vụ cho việc học tập mà không xin phép, không phải trả tiền không. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.