Quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì không thể tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự và cũng không phải chịu trách nhiệm về những hành vi trái pháp luật do họ gây ra. Nếu họ tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ và các cá nhân hoặc các cơ quan, tổ chức… Do đó, pháp luật cho phép người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Trên cơ sở các quyết định về tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được bộ môn cung cấp, anh(chị) hãy cho biết nhận xét của mình về yêu cầu của đương sự, thẩm quyền của Tòa án, việc xác định tư cách đương sự, đánh giá về các chứng cứ, tài liệu và thủ tục được Tòa án tiến hành…”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật tố tụng dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015.
  • Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Trần Anh Tuấn chủ biên.
  • Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Thực hiện từ 01/07/2016), Bùi Thị Huyền chủ biên.
  • Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, nxb.CAND, Hà Nội – 2017.
  • Quyết định số 376/20…/QĐ-VDS (hồ sơ số 03) về việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Tóm tắt vụ việc

Quyết định số 376/20…/QĐ-VDS (hồ sơ số 03) về việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

  • Tên quyết định: Quyết định giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi.
  • Quan hệ pháp luật: dân sự.
  • Cấp xét xử: sơ thẩm.
  • Tòa án giải quyết: Tòa án nhân nhân thành phố Hồ Chí Minh.
  • Người yêu cầu: Bà Nhung Thi Cao (Phạm Thị Nhung) sinh năm 1973, địa chỉ 29 Rockefeller Street, Randdolph MA 02368, USA.

Địa chỉ liên lạc: 59 Hoàng Văn Thụ, phường 15, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Bà Nhung ủy quyền cho bà Huỳnh Thị Ngọc Xuân, sinh năm 1978 đại diện theo hợp đồng ủy quyền công chứng 028237 TP/CC-SCC/HĐGD, quyển số 7, ngày 31/7/2009 của Phòng công chứng số 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự:

1/ Bà Phạm Thị Thịnh, sinh năm 1942.

2/ Bà Phạm Thị Vượng, sinh năm 1946.

Cùng địa chỉ: 59 Hoàng Văn Thụ, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Nội dung yêu cầu: Bà Nhung Thi Cao yêu cầu Tòa án tuyên bố mẹ bà tên là Phạm Thị Vượng và dì ruột của bà tên là Phạm Thị Thịnh mất năng lực hành vi dân sự.
  • Quyết định của tòa: chấp nhận yêu cầu của bà Nhung Thi Cao (Phạm Thị Nhung), tuyên bố bà Phạm Thị Thịnh và bà Phạm Thị Vượng mất năng lực hành vi dân sự.

quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Bình luận về Quyền yêu cầu tòa án, cách giải quyết của Tòa án

Về thẩm quyền của tòa án

Thẩm quyền theo loại việc: khoản 1 Điều 27 BLTTDS năm 2015 quy định: “Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án.

Thẩm quyền theo cấp: điểm b khoản 1 Điều 37 BLTTDS năm 2015 quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ việc “Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này”.

Trong việc dân sự này có đương sự là bà Nhung Thi Cao ở nước ngoài, do đó thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Thẩm quyền theo lãnh thổ: thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ trong trường hợp này được xác định theo sự lựa chọn của đương sự (khoản 2 Điều 40) là tòa án nơi bà Nhung Thi Cao cư trú hoặc theo khoản 2 Điều 39 là tòa án nơi người bị yêu cầu cư trú.

Trường hợp này, do bà Nhung Thi Cao hiện đang cư trú ở nước ngoài, do đó thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ sẽ được xác định theo khoản 2 Điều 39 là nơi người bị yêu cầu cư trú là tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, trong trường hợp trên tòa án nhân nhân Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng thẩm quyền.

Về tư cách đương sự

Khoản 1 Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định:

“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Như vậy, đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm: người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp trên, tư cách của các đương sự được xác định như sau:

  • Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: bà Nhung Thi Cao (Phạm Thị Nhung)
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Phạm Thị Thịnh và bà Phạm Thị Vượng.
Quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Chứng cứ trong vụ việc

Chứng cứ trong vụ việc dân sự có chứng cứ chứng minh có đủ điều kiện yêu cầu và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu.

Về chứng chứ chứng minh có đủ điều kiện yêu cầu gồm có:

  • Giấy chứng tử của bà Nguyễn Thị Vinh;
  • Giấy thế vị khai sinh cho bà Phạm Thị Thịnh thể hiện bà Thịn là con của ông Phạm Văn Luân và bà Nguyễn Thị Vinh;
  • Giấy thế vị khai sinh cho bà Phạm Thị Vượng thể hiện bà Vượng là con của ông Phạm Văn Luân và bà Nguyễn Thị Vinh.
  • Giấy khai sinh của bà Phạm Thị Nhung thể hiện bà Nhung là con của bà Phạm Thị Vượng.
  • Sổ hộ khẩu gia đình số 120021933 do Phạm Thị Nhung đứng tên chủ hộ số nhà 59 Hoàng Văn Thụ, phường 15 quận Phú Nhuận thể hiện bà Phạm Thị Thịnh có quan hệ là Bác của chủ hộ. bà Phạm Thị Vượng có quan hệ là mẹ của chủ hộ; hiện nay bà Thịnh không còn người thân nào khác ngoài bà Phạm Thị Vượng và bà Nhung Thi Cao (Phạm Thị Nhung).

Như vậy, đủ căn cứ chứng minh bà Nhung Thi Cao có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố bà Phạm Thị Thịnh và bà Phạm Thị Vượng mất năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp trên, việc bà Nhung cung cấp cho Tòa án Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự là không cần thiết, bởi đơn yêu cầu không có giá trị chứng minh, đây chỉ là thủ tục cần thiết để Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ và quyết định số 77/QĐ-LS ngày 15/12/1992 của UBND quận Phú Nhuận cũng không cần thiết vì không có giá trị chứng minh trong trường hợp này.

Chứng cứ chứng minh cho yêu cầu

Trường hợp trên, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu là:

1)Bản kết luận Pháp y tâm thần số 23/2010/TTGĐPY TT ngày 27/01/2010 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần – Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận Phạm Thị Thịnh, sinh năm 1942, địa chỉ 59 Hoàng Văn Thụ, phường 15, quận Phú Nhuận, như sau:

  • Tâm thần phân liệt thể di chứng (F20.5-ICD10).
  • Đương sự không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

2) Bản kết luận Pháp y tâm thần số 22/2010/TTGĐPY TT ngày 26/01/2010 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần – Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận Phạm Thị Thịnh, sinh năm 1946, địa chỉ 59 Hoàng Văn Thụ, phường 15, quận Phú Nhuận, như sau:

  • Tâm thần phân liệt thể di chứng (F20.5-ICD10).
  • Đương sự không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Với kết luận trên của Trung tâm giám định pháp y tâm thần – Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đủ cơ sở chứng minh bà Phạm Thị Thịnh và Phạm Thị Vượng mất năng lực hành vi dân sự.

Quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Về thủ tục giải quyết

Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:

  • Bước 1: chủ thể có quyền yêu cầu nộp đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền.
  • Bước 2: trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Tòa án phân công thẩm phán xem xét và thụ lý đơn yêu cầu.
  • Bước 3: tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và ra quyết định mở phiên họp trong vòng 01 tháng kể từ ngày thụ lý đơn, nếu cần phải đợi kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể gia hạn nhưng không quá 01 tháng.
  • Bước 4: mở phiên họp giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định mở phiên họp.

Theo tình huống trên, bà Nhung gửi đơn yêu cầu vào ngày 22/9/2009 nhưng đến 31/03/2010 mới có quyết định mở phiên họp giải quyết đơn yêu cầu, như vậy trường hợp này Tòa án đã giải quyết sai thời hạn.

Về quyết định của Tòa án

Trong vụ việc trên, quyết định của Tòa án về việc chấp nhận yêu cầu của bà Nhung Thi Cao và tuyên bố bà Phạm Thị Thịn và bà Phạm Thị Vượng mất năng lực hành vi dân sự là đúng quy định.

Tuy nhiên, về phần quyền kháng cáo, Tòa án ghi nhận “Bà Nhung Thi Cao (Phạm Thị Nhung) được quyền kháng cáo trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày công bố quyết định” là chưa đúng với quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 372 quy định: “Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trường hợp họ không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn đó được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết”.

Theo đó, người có quyền kháng cáo trong việc dân sự là người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, do đó, trường hợp này bà Phạm Thị Thịnh và Phạm Thị Vượng cũng có quyền kháng cáo trong trường hợp này.

Quyết định của Tòa án tuyên một người là mất năng lực hành vi dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định năng lực hành vi dân sự của một cá nhân để từ đây xác định khả năng của họ trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ trong giao lưu dân sự. Việc giải quyết tốt yêu cầu này sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân người bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự và của những chủ thể có liên quan trong quan hệ dân sự.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top